Trải nghiệm Dell Precision 3551 – Hành trình từ ý tưởng đến hiện thực
#1 Hoàn cảnh lịch sử
Tình hình là sau gần 2 năm chinh chiến, con laptop của tôi đã bắt đầu giở trò đơ đơ, màn hình xanh kết hợp tiếng gào thét từ quạt tản nhiệt các kiểu. Bình thường, tôi đã tru réo chửi sấp mặt mấy ông bán hàng. Tuy nhiên, sau khi bình tâm suy nghĩ về quãng thời gian giày vò con lap, tôi nghĩ đây cũng là điều khó tránh khỏi. Tóm lược về nhu cầu sử dụng, tôi hay triển các nội dung:
- Dựng và test các hệ thống giả lập trong môi trường máy ảo. Đôi lúc cũng cần chạy các tool scan từ môi trường máy ảo (có thể chạy liên tục hơn một ngày);
- Đọc, viết và sửa code (Nói thế cho sướng mồm chứ thực ra là đọc rồi copy code từ nguồn Stack Overflow sau đó vừa debug vừa nhổ lông đầu!). Riêng đối với phần test và deploy code thì được triển chủ yếu trên server;
- Một số công việc văn phòng;
- Chém gió ở Tinh tế và tham khảo tư liệu cuộc sống từ các nguồn đáng tin cậy (ví dụ như “Liên Xô chống Mỹ”).
Nhìn chung, trong cái đám nói trên thì cái ý đầu tiên có khả năng sát phần cứng nhất. Với nhu cầu này, tôi cần một con laptop tương đối bền cũng như có cấu hình khá một tí (đặc biệt là phần CPU và RAM vì đám máy ảo sẽ xâu xé 2 thành phần này là chính). Với phần Graphics Card thì hiện tôi không đặt nặng lắm (cám ơn trời, chứ nếu Graphics Card cũng cần phải mạnh luôn thì chắc tôi phải xem xét bán thận).
Ngoài ra, kinh nghiệm đau thương từ quá khứ nhắc tôi 3 thứ khác cũng không kém phần quan trọng khác:
- SSD, càng nhiều SSD càng tốt nếu không muốn ngồi thấp thỏm mỗi lần cần cài cắm thêm phần mềm hoặc chép dữ liệu;
- Pin trâu! Dù xác định phần lớn thời gian là cắm điện xài nhưng tình huống đột xuất bắt buộc tôi phải lê lết ngoài đường cũng không phải hiếm;
- Máy nhẹ hết mức có thể (nhưng phải đáp ứng hiệu năng và vấn đề tản nhiệt). Ngày xưa, thời trẻ trâu, tôi từng khinh ra mặt mấy ông nào bảo laptop nặng quá mang không nổi. Tuy nhiên, sau vài lần lê lết ở sân bay với con lap cộng đám đồ lỉnh kỉnh khác trong ba lô thì mới thấm cái sức nặng của 1kg!
Đối với màn hình, như nói trên, tôi xác định phần lớn thời gian ngồi tại bàn làm việc với màn hình rời nên cũng không yêu cầu gắt lắm.
#2 Chốt dòng máy
Với thông tin sơ bộ như trên (tôi tạm gác lại đám thông tin liên quan đến cổng kết nối, bàn phím,…), nhu cầu con laptop của tôi có thể gói gọn lại: “máy bền, CPU và RAM khá, SSD nhiều, pin trâu và máy nhẹ nhất có thể”.
Sau khi cào hốt thông tin từ Goolge, gọi điện thoại cho người thân kết hợp với liên hệ thực tế bản thân (tôi có con lap Dell hơn 10 năm tuổi vẫn còn chạy tốt), tôi nhắm được một đối tượng khá ưng ý là dòng Precision Mobile Workstations của Dell. Theo độ “chất” (và mức giá), dòng này có 3 nhóm là 3000 Series, 5000 Series và 7000 Series.
Dù biết khó lòng với tới nhưng tôi không cưỡng lại được ham muốn tia qua thông tin của 7000 Series.
7000 Series (Nguồn: https://www.dell.com/)
Kiểm tra nhanh, với yêu cầu tối thiểu CPU Core i7 và RAM 32GB, tôi cần bèo gì cũng phải trên 65 chai mới có khả năng hốt được một em 7000 Series về. Với 5000 Series, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy. Như vậy với kinh phí dự kiến khoảng trên dưới 45 chai, (Tôi nghĩ đặt ra cái ngưỡng kinh phí khi chuẩn bị mua máy mới là vấn đề quan trọng. Điều này sẽ ngăn anh em tránh phải tình huống 1 phút bốc đồng chơi max setting sau đó về nhà ngồi bốc sh*t!). tôi xác định luôn mục tiêu là 3000 Series của Dell Precision Mobile Workstations.
#3 Chốt cấu hình
CPU bản thân nó là tiêu chí quan trọng vì quyết định nhiều công nghệ của hệ thống và đây cũng là yêu cầu chính được tôi xác định trong Mục 1. Với 3000 Series, tôi thấy có cả tùy chọn CPU Intel Xeon nhưng cấu hình thử trên trang Dell thì giá mắc lòi kèn.
Cấu hình với Intel Xeon
Như vậy, tôi phải quay về các tùy chọn với Core i truyền thống thôi. Vì dự định chinh chiến với con laptop mới ít nhất 3 năm nên tôi nghĩ kiểu gì thì cũng phải ráng đu theo CPU 10th Gen mới nhất. Vào thời điểm tôi chuẩn bị mua, dòng Precision 3551 của 3000 Series là lựa chọn đáp ứng yêu cầu này. Với CPU 10th Gen, tôi thấy có một số điểm hơi lấn cấn:
- Dòng Comet Lake hiệu năng cao như (i7-10850H) dựa trên tiến trình cũ 14nm trong khi một số anh chị em (cũng 10th Gen) họ Ice Lake như i7-1068NG7 lại dựa trên tiến trình mới 10nm;
- Họ Ice Lake có thể hỗ trợ RAM bus cao hơn (như DDR4-3200), Processor Graphics xịn hơn (Intel®️️️️️️️ Iris®️️️️️️️ Plus Graphics so với Intel®️️️️️️️ UHD Graphics của dòng Comet Lake).
Comet Lake vs Ice Lake
Tuy nhiên, vì đã xác định cái tôi cần ưu tiên là CPU hiệu năng cao nên Comet Lake-H series sẽ vẫn là lựa chọn phù hợp (thật ra tôi xem thêm cho biết thôi chứ dòng Precision nói chung cũng không có tùy chọn với đám Ice Lake) .
Comet Lake vs Ice Lake (tt)
Comet Lake vs Ice Lake (tt)
Ngoài ra, một số tính năng của đám Comet Lake-H series như Wifi 6 AX201, Thunderbolt,… có vẻ cũng phù hợp với kế hoạch sử dụng trong mấy năm tới của tôi.
Comet Lake specs
Coi kỹ hơn vào nội bộ đám 10th Gen Comet Lake-H series tôi thấy có cả dòng i7 8 core và cả i9 bá đạo.
10th Gen Comet Lake-H series
Lưu ý: Cái này tôi tham khảo thêm từ Intel, tùy chọn CPU thực tế cho Precision 3551 sẽ phải phụ thuộc ông Dell
Dù xác định không gồng lên đến i9 nổi nhưng tôi khá tò mò không biết dòng Precision 3551 chạy i9 có vượt trội hơn nhiều không. Trên trang của Dell, tôi thấy tùy chọn Core i9-10885H với giá cũng thốn không thua gì tùy chọn CPU Xeon ở trên!
Cấu hình với i9
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là tùy chọn này không tăng hiệu năng tương xứng cho số tiền bỏ ra do con i9-10885H bị thọt khi Precision 3551 chạy với Thermal Design Power – TDP 35 W (thay vì mức 45 W như thông thường).
Kiểm tra hiệu năng (Nguồn: PCMag.com)
Như vậy lựa chọn của tôi giờ chỉ còn gói gọn trong đám i7 của 10th Gen Comet Lake-H series mà thôi. Sau khi kiểm tra khả năng tùy chỉnh cấu hình, nơi bán và giá cả, tôi chốt được con hàng Precision 3551 Mobile Workstation với các thông số theo thứ tự ưu tiên như sau:
#4 Xuống tiền và đập hộp
Vừa rưng rưng nước mắt nhìn thông báo trừ tiền của ngân hàng vừa xé tem đập hộp, tôi kiểm tra nhanh qua ngoại hình con Precision 3551. Con này theo đa số review thì các đại ca đều chê thiết kế xấu, cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên, trên phương diện cá nhân, tôi thấy ngoại hình của nó cũng không tệ lắm (có thể do gu của tôi mặn quá chăng?!). Tuy nhiên, cái này cũng là chuyện bên lề thôi. Cái chính là với thiết kế khung nhôm, màu bạc nhìn khá chắc chắn và khối lượng 1.9 kg thì tiêu chí quan trọng về việc “máy nhẹ hết mức có thể” đã được đáp ứng. Tôi tiếp tục soi kỹ con Precision 3551.
Mặt trên là logo Dell đơn giản và mặt dưới là tản nhiệt, loa kèm đám thông tin về thiết bị.
Mặt trên
Mặt dưới
Cạnh phía trước thì không có gì ngoài đèn báo hiệu của pin và cạnh phía sau thì không có gì.
Cạnh phía trước
Cạnh phía sau
Ở cạnh bên phải, tôi thấy có các thành phần phổ biến bao gồm:
- MicroSD card slot;
- SIM card slot for optional mobile broadband (cái này là slot để đó thôi chứ con máy tôi lấy không có tùy chọn này);
- Audio jack 3.5mm;
- 2 cổng USB-A 3.2 (1 cái có PowerShare);
- 1 cổng HDMI;
- 1 cổng Ethernet Flip-Down RJ-45 port 10/100/1000 Mbps;
- Security lock notch.
Cạnh bên phải
Ở cạnh bên trái, ngoài cổng cho AC Adapter và USB-C còn có 1 cổng USB-A 3.2.
Cạnh bên trái
Ở đây có 1 điểm hơi lạ là Power Adapter kèm theo máy sử dụng cổng USB-C chứ không phải cổng cho AC Adapter thông thường. Tôi tìm thêm thông tin thì thấy cục sạc 130W được thiết kế để đáp ứng cấu hình NVIDIA Quadro P620 4GB GDDR5+ Intel®️️️️️️️ UHD Graphics. Với phiên bản chỉ chạy Intel®️️️️️️️ UHD Graphics, có thể dùng AC Adapter 90W cũng được. Tạm thời việc này sẽ làm mất khả năng sử dụng cổng USB-C/Thunderbolt tuy nhiên tôi có thể mua bổ sung cáp sạc AC Adapter khi có nhu cầu xài cổng này nên cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng lắm.
USB-C Power Adapter 130W
Tiếp tục soi vô bên trong, tôi thấy cái viền màn hình hơi dày (chắc do vậy mới bị ăn gạch vì trend bây giờ nhà nhà đều muốn viền mỏng cho nó sexy!).
Mở lid
Phía trên màn hình là vị trí Camera & Mic. Camera thì nói chung để đáp ứng nhu cầu cơ bản thôi chứ không có gì đặc sắc. Cái tôi thấy thú vị là nó có cần gạt để đóng camera khi không có nhu cầu sử dụng chứ không cần chơi mấy giải pháp che/dán thủ công mỹ nghệ làm gì.
Cần gạt Camera
Di chuyển xuống phía dưới là là nút nguồn, bàn phím và Touchpad. Phiên bản tôi xài không có tùy chọn nhận diện vân tay nên vị trí nút nguồn cũng không có gì để bàn. Thứ đáng bàn ở đây bàn phím với một số điểm cộng:
- Bàn phím fullzise chicklet với khoảng cách phím rộng rãi và hành trình sâu nên thao tác khá ngon;
- 3-button Trackpoint nằm giữa cho phép anh em hạn chế rời tay khỏi bàn phím nên có thể tối ưu hóa tốc độ xử lý. Ngoài ra, Touchpad kích thước lớn hỗ trợ tốt các chiêu nhất dương chỉ, vuốt 2-3 ngón,…và nút bấm chắc tay là vũ khí mạnh mẽ để anh em tung các đòn xử lý đầy kỹ thuật cá nhân trong không gian hẹp vốn không thể xài chuột rời bên ngoài (ví dụ như trên ghế máy bay);
- Có Numpad đầy đủ bên trái cho anh em nào hay nhập liệu số (do thằng này nên Touchpad sẽ lệnh sang trái chứ không nằm ngay giữa máy) ;
- Đèn nền Backlit cho phép anh em chiến đấu trong bóng tối khi cần thiết (ví dụ mấy đêm cúp điện chẳng hạn);
Nút nguồn và bàn phím
Trackpoint và Touchpad
#5 Kiểm tra bảo hành
Sau khi cài cắm, tinh chỉnh các kiểu, giờ là lúc tôi bắt đầu mở máy kiểm tra. Với ổ SSD, tốc độ khởi động khá nhanh như dự kiến. Điều đầu tiên tôi làm là mở máy kiểm tra thông tin bảo hành. Với máy Dell tôi có 2 phương án để chủ động kiểm tra là App SupportAssist của Dell hoặc truy cập trang Support | Dell US. Phía bên dưới là thông tin tôi kiểm tra từ trang Support của Dell dựa theo thông tin ServiceTag.
Thông tin bảo hành
Lưu ý:
- Để chắc ăn hơn thì anh em có thể gọi lên Trung tâm bảo hành của Dell để kiểm tra chéo lại một lần nữa tình trạng bảo hành của máy;
- Thực tế ngoài kiểm tra thông tin bảo hành, App SupportAssist hỗ trợ anh em nhiều thứ hữu ích khác như xử lý Driver (có cho phép Restore nếu bị lỗi), Scan Hardware, Tune Performance,…
Dell SupportAssist
#6 Kiểm tra hiệu năng theo nhu cầu thực tế
Tôi sẽ bàn về những điểm dở trước để anh em có thể xác định nhanh có nên xem thêm các thông tin khác không hay dẹp nghỉ luôn cho khỏe.
#6.1 Màn hình
Đây là điểm yếu của con máy tôi chọn. Cái này tôi thấy nhiều đại ca review chửi bới và thực tế sử dụng thì tôi thấy vấn đề này đúng là thế thật. Độ phân giải FHD chỉ đủ đáp ứng yêu cầu cơ bản, khả năng tái tạo màu sắc và độ sáng trung bình thấp. Đối với tôi, phần lớn thời gian tôi xài màn hình rời và cái built-in display thường chỉ phục vụ cho chế độ “sinh tồn” trong những lúc cần lê lết ngoài đường nên đây không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nếu anh em có yêu cầu cao về màn hình thì nên kiểm tra các tùy chọn cao cấp hơn có hàng không trước khi suy nghĩ về các nội dung khác.
#6.2 Đồ họa
Như tôi nói ở Mục 2, với Graphics Card, máy có gì tôi xài nấy chứ cũng không đặt nặng vấn đề này. Quadro P620 không phải là Card thuộc top đầu và cũng không phải là gaming GPU nên anh em cần yêu cầu cao về đồ họa nên cân nhắc trước các phương án nâng cấp xem có khả thi không.
Kiểm tra đồ họa (Nguồn: PCMag.com)
#6.3 Âm thanh
Đây là điểm yếu thứ 2 của con máy này. Với cả thể loại “tai trâu” như tôi mà còn thấy dở thì anh em đừng trong mong gì vào cái loa của máy (âm lượng bé, gần như không có bass nên gần như chỉ dùng để test cho vui thôi). Tuy nhiên, do thực tế tôi xài loa ngoài hoặc tai nghe nên vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì.
#6.4 Nhiệt độ và độ ồn
So với con máy trước đó, tính đến thời điểm hiện tại, con Precision 3551 có vẻ xử lý vấn đề này khá tốt. Chỉ trừ mấy lúc tôi xử lý mấy tác vụ nặng trên máy ảo làm cái quạt tru réo (nhưng nhiệt độ vẫn ở mức ấm chứ không nóng), bình thường các tác vụ trên máy thật gần như không thấy tiếng ồn của quạt và nhiệt độ tăng đáng kể.
#6.5 Thời lượng Pin
Đây là nội dung quan trọng đối với tôi. Dù giới giang hồ đánh giá khá cao về pin của Precision 3551 nhưng tôi không rõ quả pin 4 Cell 68 WHr có đáp ứng kỳ vọng hay không. Với mục tiêu hướng đến hiệu năng sử dụng thực tế nên tôi không kiểm tra pin theo kiểu full-load. Sau một thời gian ủ mưu, cuối cung tôi cũng đã có cơ hội thực hiện bài test kiểu này. Với quả pin đầy, tôi bắt đầu test pin theo chế độ “sinh tồn”:
- Chủ yếu đọc tài liệu và thao tác trên văn bản (word/excel/powerpoint), Code Editor theo kiểu tuần tự. Xong việc nào thì tắt app đó chứ không mở song song nhiều thứ;
- Hạn chế truy cập wifi, chỉ kiểm tra email/ tin nhắn gián đoạn khoảng 2 tiếng/ lần (hoặc khi có cuộc gọi đến chửi sao không trả lời email) và xử lý theo hướng nhanh gọn rồi tắt chứ không trao đổi lê thê.
- Tắt hoặc sleep khi không sử dụng quá 10 phút;
Với chế độ này, tôi mở máy làm theo phân bố thời gian như sau:
- Buổi sáng khoảng 3.5 giờ (sau đó sleep cỡ 45 phút nghỉ trưa)
- Trưa kết nối wifi đọc tin tức, chém gió vớ vẩn cỡ 15 phút;
- Buổi chiều làm tiếp khoảng 3 giờ;
- Buổi tối ngồi sân bay làm khoảng 1 giờ sau đó tiếp tục làm trên máy bay khoảng 1 giờ;
Sau khi về đến nhà lúc nửa đêm, tôi mở máy lên kiểm tra và thở phào khi thấy pin báo xấp xỉ 40%. Như vậy với quả pin 4 Cell 68 WHr, tôi nghĩ có thể dễ dãi tăng thêm thời lượng kết nối wifi đọc tin tức, chém gió hay nghe vài bài nhạc (tất nhiên với tai nghe chứ cái loa máy như sh*t mà nghe ngóng cái nỗi gì) mà vẫn đáp ứng nhu cầu 1 ngày làm việc lang thang ở đầu đường xó chợ.
#6.6 Hiệu năng tổng hợp của hệ thống
Đến phần cuối cùng và cũng là quan trọng nhất – đó là hiệu năng tổng hợp của hệ thống theo nhu cầu thực tế của tôi.
Điều đầu tiên tôi muốn bàn là SSD. Mức SSD 1 TB thực tế không phải là dư dả gì lắm với tôi. Vì dữ liệu sẽ phình ra theo thời gian nên tôi cần tính toán kỹ ngay từ giai đoạn ban đầu để bảo đảm có thể trụ được qua tối thiểu 3 năm:
- Sau khi để khoảng 250 GB cho OS và các app nền tảng (một số app khác tôi chạy trong máy ảo), phần còn lại tôi chứa dữ liệu, software các kiểu;
- Với dữ liệu truy cập tần suất không cao tôi đẩy hết lên Cloud (1 TB) và chỉ load về khi cần;
- Với đám máy ảo tôi đẩy ra Portable SSD (cỡ 500 GB). Đám này tôi sẽ định kỳ kiểm tra và dọn dẹp để giải phóng dung lượng;
- Tình huống thúi heo, với 3 phương án trên vẫn không chứa đủ dữ liệu tôi sẽ tung chiêu cuối là nâng cấp gắn thêm 1 ổ SSD vào máy (hiện vẫn còn trống 1 khe).
Vấn đề thứ 2 liên quan đến RAM, như tôi nói trên, bus 2933MHz cũng là giới hạn của i7-10850H. Thực tế dung lượng RAM có thể tăng hơn mức 32 GB nhưng tôi ước tính nhu cầu sử dụng vài năm tới vẫn ổn với mức này (trình bày dài dòng thế chứ nguyên nhân chính là tôi khô máu rồi, còn $$$ đâu mà nâng với chả cấp!).
Tham khảo từ thông tin review của cộng đồng mạng về trường hợp test với trình duyệt, tôi thấy cái này chuẩn cmn mực. Với cỡ 40 tab trên Edge (có cả tab chạy video) chạy song song với word, nhìn chung máy vẫn chạy êm, không ồn, không nóng. Xem kỹ trong Task Manager thì CPU vẫn đang phè phỡn dưới 10% và mức RAM vẫn chưa vượt 50%.
Test thử hiệu năng với trình duyệt
Tuy nhiên, bài test trên thì thật sự “vui là chính” chứ bình thường cũng chả mấy khi tôi mở quá 10 tab. Bài test tôi thực sự quan tâm đó khả năng hoạt động của hệ thống khi trong tình huống căng thẳng khi chạy song song máy thật Win 10 với bộ ba nguyên tử trên VMware:
- Windows Server (bản 2012 trong bài test này);
- Windows 10;
- Kali Linux.
Ngay sau khi bật combo bẩn bựa này lên tôi thấy CPU đã vọt lên trên dưới 40% và RAM khoảng 65% (hệ thống vẫn hoạt động bình thường).
Mức CPU khi chạy song song máy thật Win 10 với bộ 3 máy ảo (Win Server 2012, Win 10 và Kali Linux)
Mức RAM khi chạy song song máy thật Win 10 với bộ 3 máy ảo (Win Server 2012, Win 10 và Kali Linux)
Điều đáng mừng là sau vài phút tru réo, cái quạt tản nhiệt đã bắt đầu yên lặng và mức CPU hạ dần xuống dưới 20% (RAM thì vẫn thế). Trên thực, quá trình sử dụng đôi lúc sẽ có dao động mạnh (ví dụ như khi khởi động một ứng dụng trong máy ảo). Tuy nhiên, việc tôi vẫn còn nguồn dự trữ CPU và RAM từ máy thật kết hợp việc cân đối lại cấu hình máy ảo tùy nhu cầu từng thời điểm sẽ bảo đảm cho hệ thống chạy mượt mà khi cần triển mấy tác vụ nặng nề này.
#7 Chốt hạ
Tóm lại, với con Dell Precision 3551, tôi nhận thấy mấy điểm quan trọng sau.
Không ngon:
- Màn hình lởm, xài chữa cháy thì được chứ chiến 24/7 là banh xác;
- Loa dởm, anh em đừng có ý tưởng nghe nhạc/ xem phim gì với thằng này;
- Graphics Card không mạnh nên không hợp tác vụ đồ họa chuyên nghiệp, chơi game múa lửa thì được chứ đừng trông mong dùng con này thay Gaming laptop .
Ngon:
- CPU dòng hiệu năng cao Comet Lake đời 10, hỗ trợ một số thứ hữu ích như Wifi 6, Thunderbolt 3,…;
- 2 khe SSD cho phép nâng cấp;
- Máy chạy tương đối êm, không nóng đáng kể;
- Pin ngon, xài làm việc nghiêm chỉnh thì bao 8 tiếng (đọc báo/coi phim thì không dám hứa);
- Bảo hành 3 năm;
- Camera có cần gạt để che;
- Bàn phím có backlit, Trackpoint và Touchpad ngon. Bao chiến trong bóng tối và không gian hẹp
Nguồn: Tinhte.vn
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.