Review Dell XPS 9310
Thiết kế – Vẫn là số 1
Nói một cách chính xác nhất, đây là chiếc Dell XPS 9300 thay ruột. Tất cả mọi thứ từ ngoại hình, thiết kế cho tới chất lượng hoàn thiện, chiếc XPS 9310 này giống hệt so với 9300 được ra mắt vào nửa đầu năm nay.
Về thiết kế, toàn bộ thân máy được hoàn thiện bằng nhôm nguyên khối đi kèm với đó là những nét cắt CNC vô cùng sắc sảo, triết lý thiết kế tối giản nhưng “sang chảnh” luôn được Dell đẩy lên mức tối đa đối với những chiếc XPS của mình. XPS 13 9310 vẫn chỉ nặng 1.2 kg, y hệt so với 9300 nên nếu bạn là người làm những công việc có tính chất phải di chuyển nhiều, XPS 9310 vẫn là sự lựa chọn số 1.
Tất nhiên, 9310 vẫn thuộc phân khúc Ultrabook cao cấp trên thị trường nên về chất lượng hoàn thiện, chiếc máy này vẫn là số 1. Hiện tượng flex không xuất hiện ở bất cứ thành phần linh kiện nào của máy, chất liệu nhôm trên khung máy cũng được lựa chọn và xây dựng kỹ càng. Thêm vào đó, khung máy vẫn được gia cố thêm 1 lớp carbon fiber giống như những gì mà Dell đã làm trên chiếc 9300. Tựu chung, về thiết kế, nếu để so sánh nó trực tiếp với Macbook Air, mình sẽ chọn chiếc XPS 9310 này làm kẻ chiến thắng.
Có 2 lý do để mình chọn chiếc XPS 9310. Thứ nhất, nó thực sự đẹp, thực sự cao cấp và sang chảnh. Thứ 2, màn hình máy được thiết kế theo tỷ lệ 16 : 10 tràn cả 4 viền làm mình ấn tượng. Vậy là đủ!
Màn hình – Không nên đánh giá qua thông số
Mình phải thừa nhận rằng, thông số màn hình trên Dell XPS 9310 gây ra cho mình một cảm giác rất bối rối. Tất nhiên mình đã phải đo màn hình trực tiếp bằng bọ SpiderXElite trước khi đưa ra kết luận.
Tất cả các dải màu của máy đều được thể hiện tốt: 100% sRGB, 76% AdobeRGB, 80% P3, độ sáng màn hình lên tới 486.5 nits (khá sát so với con số 500 nits được Dell công bố). Tuy nhiên, vấn đề lại ở chỗ độ sai lệch màu sắc của chiếc màn hình này lại rất lớn, lên tới 4.11.
Nhưng trải nghiệm thực tế của mình trên chiếc màn hình mang lại sự thỏa mãn. Các màu sắc đậm lên giúp việc giải trí hoàn hảo nhưng không thích hợp cho việc làm đồ họa cần sự chính xác cao. Điều này cũng đúng thôi vì XPS 13 gần như sinh ra để giải trí, làm việc văn phòng.
Tất nhiên, nếu soi xét kỹ, màn hình này không thể được Macbook Pro 13 inch vì XPS 9310 chỉ được trang bị màn hình Full HD (có phiên bản QHD nhưng giá cao hơn rất nhiều). Nhưng với đại đa số người dùng văn phòng, Full HD đã là một độ phân giải quá đủ để hiển thị một cách rõ ràng.
Còn lại, các thông số còn lại của chiếc màn hình này vẫn giống y hệt so với XPS 9300 năm ngoái: Kích thước 13.4 inch và sử dụng tấm nền IPS, tỷ lệ màn hình 16:10 tràn cả 4 viền đem lại trải nghiệm về mặt thị giác vô cùng đã.
Nhìn chung, đây lại là một chiếc màn hình thuộc dạng “yếu thông số, mạnh trải nghiệm”, thực sự mình cũng không thể chê gì được màn hình của Dell XPS 9310.
Hiệu năng – Không nên kỳ vọng quá cao vào Intel Tiger Lake
Phiên bản mình đang trải nghiệm được trang bị vi xử lý Intel Core i7 – 1165G7, 16GB RAM LPDDR4X bus 4266 MHz và 512GB SSD NVMe thì tất nhiên, với những tác vụ văn phòng, multimedia cơ bản, chiếc máy này có thể dễ dàng thực hiện mà không gặp bất cứ vấn đề nào cả. Word, Excel nhiều sheet nặng, làm content, photoshop, blend màu ảnh,… XPS 9310 đều có thể hoàn thành tốt.
Tuy nhiên, khi tiến vào những bài test sâu hơn, chiếc máy sẽ phát sinh khá nhiều vấn đề. Điển hình là khi mình thực hiện test chiếc máy này bằng Cinebench R20. Với lượt chạy đầu tiên ở bài test đơn nhân, điểm số cho ra khoảng 517 điểm – điểm số này thuộc dạng khá ổn. Nhưng TDP lại không hề ổn định, luôn dao động trong khoảng từ 14 đến 20W và nhiệt độ CPU lên tới 100 độ C. Đây là con số đáng báo động với 1 chiếc Ultrabook mỏng nhẹ.
Đợt test đa nhân đầu tiên, nhiệt độ toàn nhân cũng chạm ngưỡng 100 độ, nhưng TPU lại ổn định được ở 18W, điểm số cho ra cũng khá ổn, khoảng 1500 điểm.
Sang đến lần kiểm tra thứ 2, điểm số đơn nhân cho ra lại giảm đi rõ rệt, chỉ còn 467. TPU vẫn không ổn định và nhiệt độ vẫn chạm ngưỡng 100 độ C. Kết quả toàn nhân vẫn khá tương đồng so với lần đầu tiên, TPU khoảng 18W và nhiệt độ chạm ngưỡng 100 độ C.
Bài kiểm tra thứ 2 mà mình làm trên XPS 9310 là khả năng chơi game. Chiếc máy này hoàn toàn có thể kéo được tựa game Fortnite với setting đồ họa cao nhất, FPS trung bình cho từ 55 đến 60, nhiệt độ chạm ngưỡng 90 độ C. Tuy nhiên, hiện tượng giật khung hình diễn ra khá thường xuyên đối với tựa game này. Nếu muốn trải nghiệm Fortnite ổn định nhất trên Dell XPS 9310, chắc chắn mình sẽ phải giảm setting đồ họa xuống mức thấp nhất.
Tựu chung, với những thông số kiểm tra “rất đáng báo động” như trên, đặc biệt là khi stress test, mình khuyên các bạn “không nên làm việc quá nặng” trên chiếc máy này. Dell XPS 9310 chỉ nên dừng lại ở đúng hệ quy chiếu Ultrabook mỏng nhẹ cao cấp mà thôi.
Cụm bàn phím và touchpad – Đây là yếu tố quyết định mình sẽ không mua nó
Vì là một người làm content nên mình đã trải nghiệm được khá nhiều mẫu Ultrabook. Trải nghiệm gõ và cảm giác sử dụng touchpad gần như là 2 điều mình đề cao nhất trên một mẫu Ultrabook. Dưới đây là cảm giác sử dụng của mình đối với bàn phím và touchpad trên Dell XPS 9310.
Thứ nhất, cụm bàn phím trên Dell XPS 9310 đem lại cảm giác gõ giống đến 90% so với bàn phím cánh bướm thế hệ thứ 2 trên Macbook. Đối với cá nhân mình, đây là một trong những cảm giác gõ mà mình không hề thích. Tuy có độ nảy rất tốt và layout phím được bố trí rất hợp lý, nhưng hành trình phím lại khá nông – chưa tới 1mm và mình không hề quen với kiểu hành trình phím này.
Thứ hai, touchpad trên Dell XPS 9310 đem lại cho mình cảm giác sử dụng rất tệ. Mặc dù mình đã update hết toàn bộ driver liên quan đến touchpad nhưng khả năng tracking của chiếc touchpad này vẫn vô cùng kém. Thêm vào đó, kích thước touchpad cũng khá nhỏ và được phủ mate nên khả năng di cũng như multitouch trên chiếc touchpad này thực sự rất kém.
Nhìn chung, đối với 1 chiếc Ultrabook văn phòng cao cấp, mình đã hy vọng rằng Dell phải làm tốt 2 điều trên. Nhưng Dell XPS 9310 làm mình khá thất vọng.
Cổng kết nối và thời lượng pin
Vì là 1 phiên bản re-make của Dell XPS 9300 nên số lượng cổng kết nối trên Dell XPS 9310 cũng giống y hệt so với phiên bản tiền nhiệm: 2 cổng USB Type C hỗ trợ giao thức Thunderbolt 4, 1 khe thẻ nhớ microSD và 1 jack cắm tai nghe 3.5mm. Chắc chắn bạn sẽ phải mua thêm dock chuyển đổi nếu quyết định gắn bó lâu dài với chiếc máy này.
Mình thích Dell trang bị cho chiếc máy này 1 khe thẻ nhớ SD chứ không phải là khe microSD như hiện tại. Đối với cá nhân mình, nếu được phép chọn giữa khe cắm thẻ nhớ SD và microSD, mình chắc chắn sẽ lựa chọn khe SD vì nhu cầu công việc và sự phổ biến của loại card này.
Còn về thời lượng pin, theo như công bố của nhà sản xuất, XPS 9310 có thể trụ được khoảng 8 tiếng onscreen. Tuy nhiên, Intel lại đảm bảo việc chiếc máy này có thể hoạt động được “ổn định” ở mức 28W điện trong mọi trường hợp, kể cả khi rút sạc. Nên khi mình rút sạc và bật chế độ best performance, độ sáng màn hình khoảng 50% và chỉ bật duy nhất kết nối Wi-Fi, thời gian onscreen của Dell XPS 9310 chỉ dừng lại ở khoảng gần 5 tiếng mà thôi, con số khá đuối đối với 1 chiếc Ultrabook cao cấp.
Tạm kết
Đối với cá nhân mình, mình sẽ quyết định không mua nó vì 3 lý do chính bao gồm trải nghiệm sử dụng của cụm bàn phím cũng như touchpad khá tệ và thời lượng pin kém so với một chiếc Ultrabook. Còn lại, phải nói một cách công bằng, tất cả mọi thứ trên Dell XPS 9310 đều khá toàn diện từ thiết kế, chất lượng hoàn thiện cho tới trải nghiệm sử dụng Ultrabook cao cấp.
Vậy ai sẽ là đối tượng nên mua chiếc máy này. Có lẽ rằng đó sẽ là fan của vẻ đẹp XPS hoặc những người yêu cầu một chiếc Ultrabook đẹp, sang chảnh và hơn hết là trọng lượng nhẹ, thuận tiện tối đa trong việc di chuyển. Còn với mình, Dell XPS 9310 vẫn chưa đủ thuyết phục và tạo nên độ khác biệt lớn ở phân khúc Ultrabook cao cấp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.