Hp Zbook 15: thiết kế chắc chắn, cấu hình mạng mẽ.
HP rất nổi tiếng với dòng máy trạm di động EliteBook Workstation và trong năm nay, nhà sản xuất máy tính Mỹ đã quyết định “thay máu” cho Workstation với việc ra mắt một thương hiệu thay thế hoàn toàn mới là ZBook. Hồi tháng 9 vừa qua, HP đã giới thiệu loạt 3 chiếc máy thuộc dòng ZBook là ZBook 14, ZBook 15 và ZBook 17. Thay đổi trên ZBook rất đáng chú ý bởi không chỉ sở hữu thiết kế mới, cấu hình của dòng máy trạm này cũng được nâng cấp với vi xử lý Haswell, card đồ họa NVidia và AMD thế hệ mới nhất cùng tùy chọn độ phân giải màn hình qHD+. Hôm nay, mình đã mượn được một chiếc ZBook 15 và xin gởi đến các bạn bài đánh giá nhanh sản phẩm này.
Thiết kế thay đổi lớn, từ vuông vắn thành bo tròn:
Trong 3 chiếc ZBook mà HP vừa giới thiệu, chỉ có ZBook 14 là thuộc dòng Ultrabook, còn lại ZBook 15 và 17 đều có thiết kế to, dày, chắc chắn thường thấy của dòng Workstation nhằm đáp ứng tiêu huẩn quân đội MiL-STD-810G. Như tên gọi, ZBook 15 là một chiếc máy 15,6”, độ dày của máy khoảng 3 cm và nặng khoảng 2,8 kg. Nếu so với người tiền nhiệm là EliteBook Workstation 8570W thì ZBook 15 nhẹ hơn chỉ 0,2 kg và dày hơn 0,5 cm. Do đó, ZBook 15 vẫn khá là nặng khi đem theo và bất tiện nếu bạn hay di chuyển. Mặc dù vậy, thiết kế của ZBook 15 rất khác biệt so với thiết kế của thế hệ 8560/8570W.
Điểm khác biệt đầu tiên là vỏ máy. Dĩ nhiên HP vẫn sử dụng chất liệu hợp kim nhưng tông màu máy chuyển sang xanh đen thay vì nâu đen và bạc xước như thế hệ trước. Nắp máy được chế tác lạ mắt với 2 phần, phần bên trong là một khối nhôm phay xước màu xanh nòng súng. Bao quanh khu vực này là một lớp viền ngoài, cũng bằng kim loại nhưng được phủ sần, không bám vân tay. Chính giữa nắp máy là logo HP có kích thước lớn hơn so với logo của 8570W nhưng rất tiếc là nó không có đèn. Từ nắp máy, bạn có thể nhìn thấy 2 bản lề nổi được làm bằng thép rất đặc trưng của dòng Mobile Workstation. Với thiết kế bản lề này thì có thể chắc chắn màn hình của ZBook 15 có thể mở ra một góc 180 độ, ngang với mặt phím. 2 bản lề được thiết kế liền nhau và được gắn chắc với thân máy tại mặt sau với 4 con ốc.
Các cạnh máy được bo tròn nhiều hơn chứ không còn vuông vắn như thế hệ EliteBook Workstation trước. Có 1 thay đổi nhỏ nữa nhưng đáng chú ý trên ZBook 15 là khi nhìn ngang, cạnh máy được vát nghiêng xuống dưới thay vì vát chéo lên trên. Tại sao vậy? Trên ZBook 15, nút bấm để mở màn hình đã không còn, thay vào đó là một khe hở nằm tại rìa trước và đây cũng là phần lõm của bàn rê. Vì vậy, thiết kế vát nghiêng xuống đáy của nắp máy sẽ tạo tạo điểm tựa để bạn mở màn hình dễ dàng bằng 1 tay.
Các cổng máy được nâng cấp, thiết kế mở tương tự thế hệ trước:
Xung quanh các cạnh máy, HP bố trí rải rác các cổng kết nối chứ không nằm hẳn về 2 bên như 8570W và số lượng các cổng cũng thay đổi. Tại cạnh sau, nơi có dòng chữ Hewlett-Packard (thay cho dòng chữ Mobile Workstation màu cam của thế hệ trước), ZBook 15 có 1 cổng USB 3.0 với tính năng sạc nhanh nằm gần góc trái và 1 cổng RJ-45 (LAN) nằm gần góc trái, jack nguồn vẫn ở nguyên vị trí cũ. Tại cạnh trước, máy không có bất cứ cổng nào ngoại trừ 4 đèn tín hiệu.
Tại cạnh phải, gần góc ngoài vẫn là cổng VGA – 1 kết nối mà có lẽ HP sẽ tiếp tục duy trì trên dòng máy trạm này bởi rất nhiều thiết bị trình chiếu như Projector, màn hình vẫn sử dụng giao tiếp VGA. Cạnh phải còn có ổ DVD-RW, kế đến là 1 cổng USB 3.0, jack tai nghe 3.5 2 trong 1 và khe thẻ nhớ SD.
Tại cạnh trái, ZBook 15 có 2 cổng USB nữa nhưng cổng nằm sát khe tản nhiệt là chuẩn 2.0 và kế bên cổng USB 3.0 còn lại có cổng Thunderbolt – một chuẩn kết nối mới do Intel phát triển. Cổng Display Port vẫn được sử dụng tiêu chuẩn trên ZBook, tương tự EliteBook hay Mobile Workstation thay cho HDMI nhờ tốc độ quét 120 Hertz cao hơn. 2 khe còn lại trên cạnh trái là khe ExpressCard/54 dùng cho card âm thanh, card WWAN 3G và khe Smart Card (SC) dùng cho thẻ bảo mật thông minh. Như vậy, ZBook 15 có 4 cổng USB tương tự 8570W nhưng nhiều hơn 1 cổng 3.0, không còn cổng 1394a và thay vào đó là kết nối Thunderbolt. Rõ ràng là các kết nối trên ZBook 15 đã được nâng cấp đáng kể so với người tiền nhiệm.
Mặt dưới của ZBook 15 có thiết kế mở tương tự 8570W, bạn có thể dễ dàng mở nắp để nâng cấp RAM, card WWAN, mSATA, ổ cứng bằng cách gạt 2 lẫy và trượt ra. Giữa 2 chiếc lẫy này là cổng gắn pin Extended chữ U và phía trên là cổng giao tiếp với Dock Station tương thích với thế hệ dock dùng cho đời 8×60/8×70 trở đi của HP EliteBook và EliteBook Workstation. Trượt nắp, bên trong ZBook 15 có 2 khe RAM trống và máy thật sự có 4 khe RAM, 2 khe nằm dưới bàn phím đã được nạp sẵn 2 cây RAM 8 GB (tổng 16 GB). Ngoài ra, trên chiếc máy mình mượn được có gắn sẵn một ổ mSATA của Lite-On dung lượng 32 GB.
Màn hình đẹp, âm thanh to rõ:
Mở nắp máy, bên trong ZBook 15 là chiếc màn hình 15,6” phân giải Full HD 1080p đèn nền LED, góc nhìn rộng UWVA với lớp phủ chống chói Anti-glare. Để đảm bảo độ bền, viên màn hình của ZBook 15 được làm khá dày, khoảng cách viền 2 bên khoảng 1,7 cm và viền trên nơi có chứa webcam là 2,4 cm. Phần viền được làm khá cứng và khi mình bóp mạnh vào thì màn hình bên trong vẫn không bị nhiễu hay hở sáng. Như đã đề cập, với bản lề nổi thì màn hình của ZBook 15 có thể mở ra 1 góc 180 độ và cùng với tấm nền UWVA (Ultra Wide Viewing Angle), góc nhìn màn hình rất rộng. Qua đó, màn hình của ZBook 15 rất lý tưởng để chia sẻ nội dung với nhiều người trong những cuộc họp. Chất lượng hình ảnh của màn hình rất tốt, độ trung thực và độ nét cao. Có một đặc điểm thường thấy trên màn hình của dòng Mobile Workstation là khi quan sát gần, bạn sẽ nhận thấy có một lớp màng mịn do tấm phủ Anti-Glare nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh. Độ sáng màn hình không quá cao như những màn hình gương nhưng độ sáng như vậy sẽ khiến bạn làm việc thoải mái hơn trong thời gian dài, hạn chế tình trạng mỏi mắt. Ngoài ra, bên cạnh webcam có một cảm biến ánh sáng nhỏ và nó sẽ tự động cân chỉnh sáng tùy theo điều kiện môi trường.
Bên dưới màn hình, giữa 2 bản lề là loa, thiết kế dạng một dải rộng gồm các lỗ nhỏ. Đây là điểm mới trên ZBook 15 bởi loa của dòng EliteBook Workstation trước đây thường được đặt dưới đáy máy, gần rìa trước. Công nghệ loa mà HP sử dụng trên ZBook 15 là DTS thay vì SRS như phiên bản cũ. Chất lượng âm thanh của 2 loa Stereo khá tốt, âm lượng to và không rè khi mở tối đa, hơi thiếu bass. Dĩ nhiên, là một dòng máy trạm phục vụ cho môi trường doanh nghiệp thì âm thanh không phải là mục tiêu quan tâm của HP như dòng giải trí Envy.
Bàn phím thiết kế mới, bàn rê phủ kiếng:
Với kích thước 15,6”, ZBook 15 được trang bị bàn phím đầy đủ với Numpad và có đèn nền backlit (2 nấc độ sáng). Layout phím vẫn tương tự 8560/8570W, từ vị trí các phím, khoảng cách phím cho đến các nút chức năng. Tuy nhiên, phím bấm đã được thiết kế lại, mỏng hơn so với thế hệ trước. Khi gõ, phím chỉ chìm xuống đúng bằng mặt phẳng vỉ phím, vì vậy theo kinh nghiệm sử dụng của mình qua nhiều dòng EliteBook Workstation thì bàn phím của ZBook 15 cho phép mình gõ nhanh hơn, có thể lướt phím dễ hơn, dùng ít lực hơn và độ nhạy cao hơn. Một điểm nâng cấp nhỏ nhưng hợp lý trên bàn phím của ZBook 15 là HP đã loại bỏ nút Context Menu – một chiếc nút rất ít khi sử dụng nằm giữa Alt L và Ctrl L để dành khoảng trống cho cụm phím điều hướng. Vì vậy, phím điều hướng được làm to ra, tách biệt và dễ bấm hơn rất nhiều so với 8570W. Ngoài ra, trên bàn phím, HP đã bố trí 1 nút tắt nhanh mic có đèn báo hiệu và nút tắt âm thanh nằm rời hẳn bên ngoài. Khi hội họp, nút tắt mic và tắt âm thanh sẽ phát huy tác dụng để người dùng có thể nhanh chóng tắt những đoạn trao đổi không cần thiết.
Chính giữa bàn phím vẫn là núm điều hướng TouchStyk đặc trưng của dòng máy Business và để sử dụng với chiếc núm xoay này thì bạn có thêm 1 hàng nút chuột ngay phía trên bàn rê. Với dòng Mobile Workstation thì từ 15,6” trở lên sẽ có thêm 1 nút chuột giữa Middle Click và ZBook 15 cũng được trang bị tương tự.
Bàn rê của ZBook 15 vẫn là LuxPad truyền thống, kích thước 10 x 5,8 cm, bề mặt phủ kiếng và được làm cùng màu xanh nòng súng như vỏ máy. Cảm giác tiếp xúc với chiếc bàn rê này khá tương đồng với bàn rê của MacBook, rất mượt mà và thích tay. Dưới bàn rê tiếp tục là 1 hàng 3 nút chuột được làm lồi, tách biệt và dễ bấm. Vị trí của bàn rê vẫn được đặt cân đối với nút Space, tương tự 8570W. Trên 8570W hay những chiếc máy EliteBook 15,6”, mình thường gặp phải tình trạng lòng bàn tay vô tình chạm vào bàn rê khi gõ phím khiến con trỏ nhảy lung tung bởi khu vực chiếu nghỉ tay bên trái bị thu nhỏ đáng kể. Tuy nhiên, trên ZBook 15, nhược điểm này đã được khắc phục nhờ việc thiết kế bàn rê lõm xuống, cách ly lòng bàn tay. Thêm vào đó, 2 mép tiếp xúc giữa chiếu nghỉ tay và bàn rê được vát chéo, 1 thiết kế rất tinh ý của HP bởi khi sử dụng Windows 8 với các cử chỉ vuốt từ 2 cạnh, việc đưa ngón tay từ chiếu nghỉ vuốt vào trong bàn rê sẽ không bị khựng, vẫn rất mượt mà mặc dù bàn rê nằm lõm sâu. Tương tự các mẫu máy Business khác, ZBook 15 cũng được trang bị đầu đọc vân tay gần rìa phải khu vực chiếu nghỉ tay.
Hiệu năng:
Phiên bản ZBook 15 mình mượn được có cấu hình cao với vi xử lý Quad-Core Intel Core i7-4800MQ xung nhịp 2,7 GHz. Ngoài ra, tùy chọn CPU cho ZBook 15 còn có Core i7-4900MQ tốc độ 2,8 GHz, Core i7-4700MQ tốc độ 2,4 GHz, Core i7-4600M tốc độ 2,9 GHz và Core i5-4330M tốc độ 2,8 GHz. GPU trang bị cho máy gồm HD Graphics 4600 tích hợp và GPU rời NVidia Quadro K2100M với 2 GB RAM GDDR5. Tùy chọn GPU cho ZBook 15 còn có Quadro K610M 1 GB GDDR5 và Quadro K110M 2 GB GDDR5. Dưới đây là cấu hình chi tiết:
- CPU: Intel Core i7-4800MQ (4 lõi), xung nhịp 2,7 GHz (Turbo Boost 3,7 GHz), 6 MB Cache L3,
- GPU: Intel HD Graphics 4600 + NVIDIA Quadro K2100M với công nghệ NVIDIA Optimus chuyển đổi thông minh;
- RAM: 16 GB DDR3L SDRAM (2 thanh chạy SODIMM lắp sẵn, còn dư 2 khe, nâng tối đa 32 GB);
- HDD: Hitachi 750 GB 5400 rpm + Lite-On 32 GB mSATA bộ đệm;
- ODD: HP DVD-RW.
- OS: Windows 7 Professional 64-bit, nâng cấp miễn phí lên Windows 8 Pro.
Trước tiên hãy nói qua CPU Core i7-4800MQ, đây là một con chip 4 lõi, 8 luồng với 6 MB Cache. Nếu so sánh với tuỳ chọn CPU của 8570W thì nó tương đương với Core i7-3740QM với cùng xung nhịp và bộ nhớ đệm. Cả 2 CPU đều được hoàn thiện trên dây chuyền 22 nm nhưng mức tiêu thụ điện năng của Core i7-4800MQ là 47 W, cao hơn so với Core i7-3740QM là 45 W. Theo đánh giá của CPUBoss, hiệu năng của 2 CPU này không chên nhau nhiều. Thêm một yếu tố nữa là chiếc ZBook 15 mình dùng để đánh giá được cài sẵn hệ điều hành Windows 7 thay vì Windows 8. Phân vùng recovery của máy vẫn là Windows 7 bởi HP cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần Windows 7 để triển khai nền tảng ứng dụng hiện có thay vì Windows 8. Tuy nhiên, tem Windows 8 vẫn xuất hiện tại mặt sau của máy và điều này có nghĩa, HP hỗ trợ nâng cấp miễn phí ZBook 15 lên Windows 8 với mã kích hoạt nhúng sẵn trong UEFI. Đây là một giải pháp rất hay của HP.
**Giải pháp bảo mật mà HP cung cấp trên ZBook 15 vẫn là công nghệ Intel vPro cùng chip nhúng TMP. Do chiếc máy này được cài sẵn Windows 7 Pro thay vì Windows 8 nên mình không giới thiệu lại bộ công cụ bảo mật HP Security Suite.
Như mọi khi, mình đã cho ZBook 15 thử qua các bài đánh giá tiêu chuẩn như 3DMark 11, 3DMark 13, PCMark 7 và CrystalDisk Mark để kiểm tra hiệu năng hệ thống. Dưới đây là kết quả so sánh giữa 3 chiếc máy cùng phân khúc và cũng là đối thủ của nhau trên thị trường như Dell Precision M4800 (Core i7-4900MQ 2,8 GHz, 16 GB RAM, NVIDIA Quadro K2100M, 256 GB SSD); Lenovo ThinkPad W530 – hãng máy tính TQ vẫn chưa công bố thế hệ tiếp theo của dòng ThinkPad W nên mình chọn lại model đời Ivy Bridge (Core i7-3820QM 2,7 GHz, 8 GB RAM, NVIDIA Quadro K2000M, 500 GB HDD 7200 rpm) và người tiền nhiệm HP EliteBook Workstation 8570W (Core i7-3720QM 2,6 GHz, 8 GB RAM, AMD FirePro M4000, 500 GB HDD 7200 rpm).
- Chế độ pin HP Optimized, độ sáng 100%, âm lượng 100%, xem phim trực tuyến (bộ phim Elysium dài 110 phút) từ 10:24 PM (89% pin) thì đến khi hết phim, lúc 12:14 AM thì pin còn 49 %.
Như vậy trong gần 2 giờ, ZBook 15 mất 40% pin để xử lý tác vụ duy nhất là xem phim trực tuyến. Có thể dự đoán thời lượng pin của ZBook 15 khi làm việc có thể đạt trên 4 tiếng với các tác vụ thông thường và nếu chơi game hay xử lý tác vụ nặng thì có thể kéo dài gần 3 tiếng.
- Thiết kế mới, nhẹ hơn phiên bản cũ, chắc chắn;
- Màn hình đẹp, góc nhìn rộng;
- Trải nghiệm gõ phím và bàn rê tốt hơn;
- Cấu hình cao, dễ nâng cấp;
- Các kết nối cải tiến, có thêm cổng Thunderbolt;
- Thời lượng pin khá so với 1 chiếc máy trạm.
- Trọng lượng vẫn nặng, khó mang theo;
- Giá cao, người dùng lẻ khó tiếp cận.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.