Mô tả
Giống với tên gọi, ZBook Studio G3 được thiết kế hướng đến công việc biên tập video, dựng hình số hoặc kết xuất đồ họa trong phim ảnh. Đây là những ứng dụng không chỉ yêu cầu cao về năng lực tính toán của bộ xử lý và card đồ họa mà quan trọng hơn là sự ổn định, bền bỉ để hoạt động liên tục trong quãng thời gian dài.
Bên cạnh đó, sản phẩm còn được đánh giá là mẫu máy trạm di động mỏng nhẹ nhất thế giới với kích cỡ tương đương ultrabook mà vẫn đảm bảo sự chắc chắn, độ bền đạt tiêu chuẩn quân đội Mỹ MIL STD-810G cùng cơ chế bảo mật dựa trên vân tay người dùng nhằm ngăn chặn sự truy cập dữ liệu trái phép.
ZBook Studio G3 phiên bản Tinhte thử nghiệm có giá tham khảo 3.000 USD (khoảng 66,7 triệu đồng). Cấu hình phần cứng trang bị chip Xeon E3-1505M v5, đồ họa Nvidia Quadro M1000M với 2GB GDDR5, 32GB RAM DDR4 ECC bus 2.133 MHz cùng màn hình 15.6 inch chuẩn 4K UHD (3.840 x 2.160 pixel). Đây cũng được xem là đối thủ nặng ký khi so với các mobile WORKSTATION cùng phân khúc như Dell Precision và ThinkPad P50 của Lenovo.
Ưu điểm
- Kiểu dáng đẹp, mỏng nhẹ nhất dòng mobile WORKSTATION
- Thiết kế đạt chuẩn MIL-STD 810G
- cổng kết nối đa dạng, hỗ trợ cả USB 3.1 type C, Thunderbolt 3 và Display Port
- Bàn phím chống tràn, tích hợp đèn nền LED tiện dụng
- Màn hình 4K, chất lượng hiển thị tốt
- Hiệu năng tổng thể, năng lực xử lý đồ họa tốt
Khuyết điểm
- Giá cao.
Kiểu dáng, thiết kế
Ấn tượng đầu tiên về mẫu máy trạm di động của HP là thiết kế mỏng nhẹ tương đương ultrabook với thân máy mỏng chỉ 18mm và cân nặng 2,0kg, thích hợp cho người dùng cần xử lý công việc trực tiếp tại phim trường.
Sản phẩm cũng đạt được sự chắc chắn, đáng tin cậy nhờ lớp vỏ ngoài chất liệu hợp kim nhôm nguyên khối cùng kết cấu khung máy làm từ magie cấu trúc tổ ong. Ngoài khả năng chống trầy xước, lớp vỏ bằng hợp kim nhôm còn góp phần đáng kể vào việc tản nhiệt các linh kiện phần cứng bên trong, đặc biệt là với thiết kế mỏng nhẹ của sản phẩm.
Theo thông tin nhà sản xuất cho biết Studio G3 cũng là một trong số ít mẫu WORKSTATION đạt chuẩn MIL-STD 810G của quân đội Mỹ khi vượt qua một loạt các bài thử nghiệm nghiêm ngặt về độ bền và chất lượng linh kiện phần cứng. Bên cạnh cơ chế bảo mật dựa trên vân tay người dùng, máy cũng tích hợp cả chip TPM (Trusted Platform Module) nhằm đảm bảo xác thực phần cứng, bảo vệ tiến trình khởi động và chứng thực thẻ thông minh.
Điểm cộng trong thiết kế sản phẩm là hệ thống làm mát card đồ họa và bộ xử lý thiết kế riêng biệt giúp việc tản nhiệt hiệu quả, đảm bảo tính bền bỉ để hoạt động liên tục trong một quãng thời gian dài. Phần thân trong và vùng đệm kê tay cũng sử dụng chất liệu hợp kim nhôm nhằm tăng khả năng tản nhiệt trong khi chân đế cao su chạy suốt bề mặt dưới của máy có tác dụng hấp thụ chấn động và chống trượt tốt hơn.
Một nâng cấp quan trọng không kém của sản phẩm là màn hình siêu nét, độ phân giải chuẩn QHD+ với góc nhìn rộng, hình ảnh hiển thị sắc nét và độ sáng cao nên vẫn hiển thị rõ ràng khi sử dụng ngoài trời hoặc ở nơi ánh sáng mạnh. Công nghệ âm thanh Bang & Olufsen có khả năng tái tạo không gian âm thanh sâu và chi tiết nhưng chúng vẫn thiếu đi sự mạnh mẽ của âm bass như phần lớn Laptop hiện nay.
Cổng giao tiếp, khả năng nâng cấp phần cứng
Như đề cập trên, ZBook Studio G3 được xem là “siêu mẫu” trong dòng máy trạm di động nên không trang bị ổ quang cũng như loại bỏ một số cổng kết nối kém quan trọng. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ và thói quen người dùng thay đổi thì những điều này dường như không ảnh hưởng đến việc sử dụng của bạn.
Cụ thể Studio G3 chỉ hỗ trợ xuất tín hiệu qua cổng HDMI 1.4, có 3 cổng USB 3.0 và riêng 2 cổng USB 3.1 type C hỗ trợ cả Thunderbolt 3 và Display Port trên cùng kết nối vật lý, mở rộng khả năng tương thích với nhiều thiết bị ngoại vi tốt hơn. Máy còn có một số kết nối không dây như Bluetooth 4.2, mạng Wi-Fi chuẩn 802.11ac hai băng tần và card mạng Ethernet tốc độ gigabit.
Về khả năng thay thế hoặc nâng cấp phần cứng khá dễ dàng dù phải tháo toàn bộ nắp bảo vệ mặt dưới. Tuy nhiên trên thực tế thì việc nâng cấp không có nhiều ý nghĩa do phiên bản Tinhte thử nghiệm được xem là cấu hình cao nhất của sản phẩm, đủ đáp ứng tốt hầu hết Nhu cầu sử dụng.
Màn hình
Studio G3 trang bị màn hình 15,6 inch, độ phân giải 4K UHD (3.840 x 2.160 pixel) cùng khả năng tái tạo gần như đầy đủ dải màu theo tiêu chuẩn. Công nghệ panel Self Refresh (PSR) với chế độ chỉ làm tươi những pixel cần thiết, hạ mức điện thế sử dụng xuống thấp, nén dữ liệu trước khi truyền tải và kết hợp với khả năng điều khiển đèn nền cục bộ giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, kéo dài thời lượng dùng pin thiết bị.
Xét tổng thể chất lượng hiển thị tốt, màu sắc tươi sáng, độ chi tiết hình ảnh sắc nét cùng độ bão hòa màu cao vượt trội so với nhiều mẫu laptop mà Tinhte từng thử nghiệm. Tuy nhiên xét ở mức độ chuyên nghiệp thì chất lượng hình ảnh vẫn chưa đạt đến mức tuyệt đối cho những công việc đồ họa, biên tập video hoặc chỉnh sửa hình ảnh, cần thể hiện màu sắc chính xác. Tất nhiên đây không phải là khuyết điểm của sản phẩm và bạn có thể dễ dàng cân chỉnh lại màu sắc của màn hình với thiết bị chuyên dụng X-Rite MunkiColor hoặc Spyder của Datacolor.
Thử nghiệm thực tế trong môi trường Văn phòng cho thấy chất lượng hình ảnh ZBook Studio G3 thể hiện gần sát với thực tế hơn, hình ảnh hiển thị sắc nét, độ tương phản cao và ít bị chói sáng. Các bước chuyển màu, mức độ sáng tối cũng như sắc xám và trắng dễ phân biệt, mang lại cảm giác dễ chịu khi làm việc với tài liệu văn bản.
Công nghệ tấm nền IPS với góc nhìn mở rộng khoảng 170 độ, lớp tán xạ ánh sáng phủ bên ngoài màn hình giúp việc sử dụng ngoài trời khá thoải mái. Tuy nhiên độ sáng màn hình chỉ ở mức khá, khoảng 252 nit nên khi sử dụng ở nơi có ánh sáng mạnh sẽ phần nào ảnh hưởng đến khả năng quan sát nội dung hiển thị trên màn hình.
Bàn phím và touchpad
Mẫu HP Workstation trang bị Bàn phím chicklet với thiết kế chống tràn, hỗ trợ LED nền tiện dụng hơn khi làm việc trong môi trường thiếu sáng. Trừ nhóm phím chức năng và nhóm phím điều hướng khá nhỏ thì kích thước các phím còn lại lớn, khoảng cách giữa các phím hợp lý, phù hợp với người dùng có cỡ tay lớn.
Thử nghiệm thực tế cho thấy các phím nhấn êm, bề mặt phím cong nhẹ và độ đàn hồi tốt mang lại cảm giác phím rõ ràng, bạn dễ dàng lướt trên bàn phím khi gõ nhanh văn bản mà không sợ nhấn nhầm. LED nền tích hợp giúp dễ dàng định vị những phím cần thiết trong môi trường thiếu sáng. Bạn có thể tùy chỉnh theo môi trường làm việc hoặc tự động tắt sau khoảng 15 giây nếu không sử dụng.
Touchpad với công nghệ cảm ứng lực ForcePad tương tự cách mà Apple áp dụng với một số thiết bị của hãng. Công nghệ này tích hợp cả hai phím vật lý có chức năng trái và phải chuột và có thể nhận biết thao tác người dùng dựa trên lực nhấn (nhẹ hay mạnh) cũng như hướng nhấn. Trỏ chuột di chuyển chính xác, các chức năng cuộn, phóng to và xoay ảnh cũng dễ thực hiện hơn. Các ứng dụng vẽ, chỉnh sửa hình ảnh hoặc chơi nhạc cũng có thể tận dụng ForcePad để mang lại cảm giác sử dụng thật hơn.
Tính năng bảo mật vân tay FingerPrint kết hợp cùng tiện ích SimplePass giúp bạn đăng nhập tài khoản các website một cách nhanh chóng mà không cần phải nhớ đến những ký tự mật khẩu đầy rối rắm.
Đánh giá hiệu năng
Thử nghiệm với cấu hình phần cứng trang bị chip Xeon E3-1505M v5, đồ họa Nvidia Quadro M1000M với 2GB GDDR5, 32GB RAM DDR4 ECC bus 2.133 MHz, SSD Samsung NVMe 512GB đủ cho việc lưu trữ dữ liệu, video độ nét cao trong quá trình làm việc.
Điểm cần lưu ý với cấu hình trên là mẫu card đồ họa tầm trung Nvidia Quadro M1000M, hỗ trợ OpenGL 4.5 và bộ thư viện đồ họa DirectX 12 có sẵn trong Windows 10. Thiết kế card dựa trên nhân đồ họa GM07 kiến trúc Maxwell với 512 trên tổng số 640 shader core được kích hoạt, chạy ở xung nhịp mặc định 993 MHz và có thể tăng tốc đạt 1.072 MHz ở chế độ Boost. Card cũng được trang bị 2GB bộ nhớ GDDR5, xung nhịp (memory clock) 1.250 MHz với độ rộng băng thông 128 bit.
Theo Nvidia cho biết Quadro M1000M được tối ưu cho một số phần mềm thiết kế CAD như AutoCad, Solidworks, MDT hoặc dựng hình số DCC (digital content creation). Vì vậy sẽ rất khập khiễng nếu dựa vào những kết quả bên dưới để kết luận hiệu năng sản phẩm mạnh hay yếu so với các laptop trang bị đồ họa rời dòng GeForce của Nvidia hoặc AMD Radeon. Đơn giản vì chúng không cùng hệ quy chiếu.
Chẳng hạn trong công cụ benchmark PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể, cấu hình thử nghiệm đạt 3.255 điểm trong phép thử Home và 4.539 điểm trong phép thử Creative. Với 3DMark Cloud Gate, ZBook Studio G3 đạt 23.249 điểm Graphics, 7.422 điểm Physics và hiệu năng tổng thể đạt 15.774 điểm.
So với mẫu workstation Dell Precision M4800 (chip Core i7-4910MQ, đồ họa Quadro K2100M) thì điểm 3DMark của Studio G3 cao hơn đến 54%, trong đó điểm đồ họa hơn đến 105,8% và CPU thấp hơn 3,9%. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì xét ở mức độ cơ bản, xung nhịp cao nhất của Xeon E3-1505M v5 là 3,7GHz trong khi Core i7-4910MQ chạy ở 3,9GHz.
Với bộ công cụ SPECviewperf 12 mô phỏng khả năng dựng, hiển thị các mô hình thiết kế tương tự cách thức hoạt động của một số phần mềm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, dựng hình. Mẫu laptop HP cũng đạt kết quả cao với tốc độ xử lý khung hình mỗi giây (fps) trong các phép thử luôn cao hơn mức 30 fps. Cụ thể Maya đạt 30,9 fps, Lightwave đạt 55,6 fps và Solidworks đạt đến 63,2 fps.
Tương tự với các game thử nghiệm, dù không thể đạt đến con số 60 fps (khung hình/giây), ngưỡng tối ưu mà game thủ hướng đến nhưng bạn vẫn có thể chơi được game với khung hình luôn cao hơn 30 fps ở độ phân giải Full HD cùng thiết lập đồ họa very high mà không bị lag.
Cụ thể tốc độ khung hình thấp nhất của Alien vs. Predator đạt 32,5 fps với chất lượng đồ họa Very High. Tương tự Tomb Raider – dòng game được phát triển một phần dựa trên công nghệ AMD Gaming Evolved cũng đạt thấp nhất là 39,8 fps và cuối cùng là Thief 4, một tượng đài trong thể loại stealth action đạt 23,7 fps ở độ phân giải Full HD cùng chất lượng đồ họa cao nhất. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả trên.
Thời lượng pin
Về thời gian dùng pin ghi nhận qua phép thử PCMark 8 Home, cấu hình máy chế độ High Performance và độ sáng màn hình giảm còn 40% (tương đương chế độ dùng pin). Thời lượng pin của máy đạt xấp xỉ 3 giờ liên tục khi chạy các tác vụ duyệt web, nhập dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh, video chat và cả chơi game giải trí.
Đây cũng là kết quả cao nhất trong phép đánh giá thời lượng pin qua công cụ PCMark 8 nếu so với Dell Precision M4800 và một số mẫu laptop chuyên game Tinhte từng thử nghiệm.
Khả năng tản nhiệt
Bên cạnh các công cụ đánh giá hiệu năng, Tinhte thử nghiệm khả năng tản nhiệt của máy trong môi trường Văn phòng, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Máy hoạt động êm khi chạy ứng dụng Văn phòng hoặc chơi game giải trí nhẹ nhàng và cả trong tác vụ xử lý đồ họa 3DMark Cloud Gate, hệ thống tản nhiệt hoạt động vẫn chứng tỏ hiệu quả khi nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý là 82 độ C và đồ họa Quadro M1000M là 59 độ C.
Lời kết
HP Inc. không chỉ thể hiện sự tiên phong về phong cách và công nghệ qua mẫu laptop mỏng nhẹ nhất thế giới Spectre mà cả với ZBook Studio G3. Đây được xem là sản phẩm điển hình của dòng máy trạm di động (mobile workstation) với thiết kế mỏng nhẹ cho nhu cầu di động, trang bị cấu hình đủ mạnh để chạy những ứng dụng yêu cầu cao về năng lực tính toán của bộ xử lý và card đồ họa đồng thời đảm bảo sự ổn định, bền bỉ để hoạt động liên tục trong quãng thời gian dài.
Khác với Laptop phổ thông, sản phẩm thuộc phân khúc workstation không đơn thuần sự ganh đua về độ dày mỏng trong thiết kế, bộ nhớ đồ họa dùng GDDR3 hay GDDR5 hoặc giá bán hơn kém nhau bao nhiêu mà là cả bài toán tổng thể cần giải quyết. Rõ ràng ở sân chơi này thì ưu thế nghiêng hẳn về các nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới là Dell, HP và Lenovo.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.