ThinkPad X1 Carbon Gen6 – mạnh hơn, hoàn hảo hơn, giá cao nhưng đáng!
Thiết kế thuần ThinkPad hơn, Lenovo đem giấu đi:
Thiết kế của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không mới khi so với Gen 5. Kể từ thế hệ trước ra mắt năm 2017 thì Lenovo đã làm mới thiết kế của dòng ThinkPad X1 Carbon với viền màn hình mỏng, giảm độ dày máy, trọng lượng nhẹ hơn và làm lại bản lề để tăng độ bền cho màn hình bởi thành phần này thường bị kêu ca không chắc chắn trên các thế hệ ThinkPad X1 Carbon trước.
ThinkPad X1 Carbon Gen 6 có vẻ ngoài không mới, có chăng nếu anh em mua phiên bản màu xám thì mới lạ con mắt còn đen thì nhìn là biết ngay ThinkPad. Thế nhưng nếu soi kỹ hơn thì có thể thấy những yếu tố thuộc về Lenovo đã được giấu đi, mặt ngoài nắp máy có logo X1 ở góc dưới và logo ThinkPad cũng được làm mới với màu đen bóng thay vì màu bạc sáng được Lenovo áp dụng trên dòng ThinkPad kể từ khi mua lại thương hiệu này từ IBM năm 2005.
Ngoài ra phần bản lề được cải tiến với khớp mở lần này trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 mình thấy mượt mà hơn, cho phép mở bằng một tay và màu thép đặc trưng của bản lề cũng được chuyển sang đen. Mình thích thiết kế này dù nó khiến chiếc ThinkPad mất đi phần nào vẻ đặc trưng với 2 bản lề sáng loáng, màu đen khiến chiếc máy nhìn liền lạc và cứng cáp hơn.
Độ mỏng của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 là 15,95 mm ở điểm mỏng nhất, tương đương độ mỏng của Gen5 và trọng lượng cũng quanh quẩn ở 1,2 kg đổ lại tuỳ cấu hình. Thật sự độ mỏng và trọng lượng này khiến không chỉ mình mà nhiều anh em ghé café Tinh Tế chơi phải chú ý. Thấy máy là phải cầm lên coi cho bằng được bởi nó nhẹ và mỏng, trọng lượng chỉ nhỉnh hơn LG Gram 15 2018 khoảng 200 g nhưng mỏng hơn. Mình cầm cái máy dọc như vậy để mod Neoluong chụp giùm tấm hình mà mấy lần bị out nét vì gió quạt tạt máy lắc qua lắc lại 😁.
Mỏng nhưng không ọp ẹp, dòng ThinkPad X1 Carbon là dòng flagship nên Lenovo đầu tư rất kỹ trong khâu thiết kế khung lẫn chất liệu chế tạo. Nắp máy được làm bằng vật liệu nhựa gia cường bằng sợi carbon hay sợi thuỷ tinh trong khi phần thân và đáy máy được làm bằng hợp kim magnesium để đảm bảo độ bền và trọng lượng nhẹ. ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn phải vượt qua nhiều bài test về độ bền theo chuẩn MIL-STD trước khi xuất xưởng và những điểm yếu, flex trên dòng ThinkPad X1 Carbon cũ đã được khắc phục.
Kết nối đầy đủ các cổng tốc độ cao:
Cũng nói về các cổng kết nối trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 thì nó có khá là đầy đủ với 2 cổng USB-C (Thunderbolt 3 + USB 3.1 Gen2) tại cạnh trái, 2 cổng USB-A (USB 3.1 Gen1) tại mỗi cạnh, HDMI kích thước tiêu chuẩn và jack âm thanh 3,5 mm combo.
Tại cạnh sau có khe thẻ nhớ microSD + SIM nhưng nó được thiết kế giống như khay SIM trên điện thoại, cần phải dùng cái ghim giấy hay que chọc SIM để lấy ra nên mình không thích thiết kế này. Lenovo nên đơn giản hoá cơ chế đóng mở để có thể truy xuất nhanh thay vì làm kín như vậy. Khe thẻ cũng là microSD nên nó cũng không tiện dụng đối với những anh em hay chụp ảnh bởi thẻ máy ảnh thường là SD. Để dùng dữ liệu di động thì anh em lưu ý phải có card WWAN, đây là một tuỳ chọn trong phần cấu hình khi build mua máy.
Đáy máy đơn giản với một tấm hợp kim duy nhất nên việc tháo ra để bảo trì hay nâng cấp phần cứng bên trong không quá khó với chỉ 5 con ốc 4 cạnh. Cũng tại phần đáy chúng ta có thể thấy 2 loa hướng về phía trước như ThinkPad X1 Carbon Gen5, âm thanh sẽ được tăng độ lớn ít nhiều nhờ cộng hưởng với bề mặt phẳng.
Nội thất chỉnh chu, vừa đủ. Bàn phím vẫn rất kích thích:
Nội thất của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 rất chỉnh chu theo lời đánh giá của @cuhiep :), mình thì chắc dùng ThinkPad lâu rồi nên cũng không lạ gì nội thất của nó. Tổng thể thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn y hệt Gen 5, viền màn hình được bóp hẹp lại 2 bên khiến kích thước tổng thể máy hẹp theo, nếu so với ThinkPad T480 thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 sẽ nằm lọt thỏm trong lòng.
Viền trên màn hình đủ không gian để chứa cụm camera + cảm biến hồng ngoại hỗ trợ nhận diện khuôn mặt qua Windows Hello. Ngoài tuỳ chọn webcam này thì người dùng quan tâm đến vấn đề bảo mật có thể chọn ThinkShuttle với webcam có cửa đóng mở. Tốc độ nhận diện của cụm webcam này với tính năng Face Recognition khá nhanh và nhận diện trong tối tốt dù chưa thể đạt tốc độ của các hệ thống Face ID trên điện thoại.
Trải nghiệm bàn phím và bàn rê trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn rất tuyệt vời. Máy mỏng nhưng bàn phím vẫn giữ nguyên hành trình dài dặc trưng, tương tự hành trình của dòng T400 huyền thoại. Cảm giác gõ đã tay, độ nẩy phím cao và êm không phát ra tiếng động khi gõ là thứ khiến anh em yêu ThinkPad. ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn duy trì layout phím tiêu chuẩn, các phím chữ U kích thước lớn và không có gì thay đổi về vị trí các phím chức năng so với các thế hệ trước. Đèn bàn phím màu trắng với ánh sáng phát ra vừa phải, không quá chói khi làm việc ban đêm, hỗ trợ 2 nấc độ sáng.
Giữa bàn phím vẫn là TrackPoint màu đỏ đặc trưng với 3 phím bấm vật lý đi kèm ngay dưới phím Space. Cảm giác điều hướng bằng TrackPoint nhạy, tốt và dĩ nhiên anh em quen mới xài ngon được, 3 phím bấm hơi dẹt nhưng độ nẩy cao và dễ bấm. Tuy vậy vì vẫn duy trì TrackPoint nên bàn rê của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không thể lớn hơn.
Kích thước bàn rê là 10 x 6 cm, vẫn đủ lớn để thực hiện các thao tác đa điểm nhưng mình vẫn muốn cái bàn rê này to hơn nữa, cỡ 10 x 7,5 cm là hợp lý 😀. Chất lượng bàn rê theo cá nhân mình tốt hơn so với bàn rê trên Gen5, bề mặt được phủ kính nhưgn hơi sần mịn, ít bám mồ hôi và độ nhạy cao. Bàn rê dùng driver Microsoft Precision Touchpad hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ của Windows 10 với độ trễ thao tác thấp. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới, hành trình ngắn, độ nẩy vừa phải, mềm nhưng bấm rất có cảm giác.
Cảm biến vân tay đặt bên phải bàn rê như thường lệ và là loại cảm biến một chạm, dữ liệu vân tay được lưu vào cảm biến nhằm tăng tính bảo mật. Mình không thích thiết kế cảm biến vân tay này lắm bởi kích thước cảm biến nhỏ, lại được đặt hơi sâu nên nó ảnh hưởng đến khả năng nhận diện và cũng chỉ tối ưu khi dùng các ngón tay nhỏ trừ ngón cái.
Giờ là chất lượng màn hình của ThinkPad X1 Carbon Gen 6, cơ bản là nó có màn hình 14″ như thường lệ nhưng có nhiều tuỳ chọn hơn, đặc biệt là tuỳ chọn IPS WQHD HDR với độ sáng 500 nit. Tuy vậy trên chiếc máy mình trải nghiệm thì nó chỉ có màn hình IPS WQHD 300 nit không HDR, hơi tiếc bởi mình rất muốn thử xem màn hình HDR trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 ra sao.
Thông số cơ bản của chiếc màn hình này là tấm nền IPS do AUO sản xuất, mã B140QAN02.3, độ sáng thiết kế 300 nit, bề mặt phủ matte chống chói. Độ phân giải màn hình WQHD (2560 x 1440 px) tỉ lệ 16:9 và tốc độ làm tươi 60 Hz. Sau khi đo bằng Spyder4Elite thì kết quả như sau:
Độ bao phủ các dải màu của màn hình cao với 75% Adobe RGB, 98% sRGB và 69% NTSC. Với độ bao phủ 75% Adobe RGB thì chúng ta có thể tự tin sử dụng các tác vụ đồ hoạ trên màn hình của ThinkPad X1 Carbon Gen 6. Gamma của màn hình ở mức 2.4, khá gần với gamma 2.2 chuẩn và điều mình thích là Delta-E của nó thấp với hầu hết các màu đều dưới 2, riêng màu xanh có độ lệch trên 4 thành ra chúng ta cần cân chỉnh lại để đạt độ chính xác màu cao nhất, Delta-E trung bình chỉ 0.8 – một con tỉ lệ rất ấn tượng trên màn hình laptop.
Độ sáng màn hình tối đa ở 240 nit vẫn dưới mức 300 nit theo công bố, mình thường dùng màn hình ở độ sáng vừa phải nên chấp nhận được mức sáng này, dùng ngoài trời vẫn ổn nhờ lớp phủ matte nhưng dưới trời nắng to thì hơi khó thấy.
Ở độ sáng tối đa thì tương phản của màn hình rất cao, lên đến 930:1, black level 0.26 rất thấp. Khi giảm xuống độ sáng 50% thì black level xuống mức 0 và độ tương phản lúc này lên đến 14460:1. Với độ tương phản cao và black level thấp thì trải nghiệm hình ảnh trên màn hình của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 rất đã mắt với sắc đen sâu thẳm, tối sáng chênh nhau tách biệt, rất phù hợp để giải trí lẫn làm việc.
Góc quan sát của màn hình rộng đến 178 độ nhờ tấm nền IPS nhưng nói về độ đồng đều về màu sắc và độ sáng giữa các vùng trên màn hình thì chưa tốt. Cụ thể ở độ sáng 100% thì vùng trung tâm có độ sáng cao nhất, vùng bên trái thấp hơn khoảng 10% và bên phải khoảng 6 – 8%.
Delta-E tối thiểu 0.20 và tối đa 4.16 đối với màu xanh, các màu còn lại đều rất thấp. Do đó để đảm bảo màu sắc chính xác thì chúng ta vẫn cần phải cân chỉnh lại màn hình.
Nhìn chung vùng bên trái của màn hình hiển thị kém hơn so với vùng trung tâm và bên phải ở độ sáng 100%. Khi giảm độ sáng xuống 50% thì mọi thứ tốt hơn với tỉ lệ chênh sách giữa các vùng giảm xuống còn 4 -7%, sai lệch Delta-E cũng giảm xuống với tỉ lệ tối đa là 4.1 ở góc trái bên dưới.
Mình vẫn đánh giá cao màn hình của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 bởi ở phân khúc 14″ thì không nhiều mẫu máy chạy Windows được trang bị tấm nền hợp lý và chất lượng tốt như vậy. Độ sáng không quá cao nhưng đủ dùng, độ bao phủ các dải màu rộng, tương phản rất cao và Delta-E với đa phần màu thấp là những thứ không phải màn hình nào cũng đáp ứng được, thường được cái này mất cái kia trên màn hình laptop nhưng ThinkPad X1 Carbon Gen 6 đáp ứng đầy đủ. Bản chất ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không phải là một mẫu máy thiên về đồ hoạ hay in ấn, việc này dành cho những chiếc máy thuộc hàng Workstation như dòng ThinkPad P nên màn hình của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 với chất lượng như trên là quá dư thừa đối với đối tượng mà nó hướng tới – những nhà quản lý, điều hành cao cấp trong doanh nghiệp.
Bù lại cho màn hình thì âm thanh của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 lại hơi hẻo. Máy có 2 loa được đặt tại đáy cho âm lượng đầu ra lớn nhưng ở âm lượng 100%, âm thanh đầu ra khá tối, thiếu chi tiết khi mình mở nhạc nghe bình thường trên YouTube. Bass không có không thành vấn đề bởi khó mà đòi hỏi bass trên loa laptop mỏng nhưng treble cũng không rõ, chỉ được mỗi dải mid là ổn. Thành ra 2 loa của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 đủ đáp ứng nhu cầu hội thoại, xem phim nghe rõ lời thoại nhưng giải trí bằng nhạc thì không hay, cảm giác thua Gen5. Thêm nữa là trên chiếc máy mình test vẫn là hàng mẫu nên âm thanh đôi khi bị xì noise, hy vọng bản thương mại mà anh em mua sẽ không gặp tình trạng này.
Hiệu năng rất tốt, CPU được phát huy tối đa sức mạnh:
Hiệu năng của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 ra sao? Với thiết kế mỏng nhẹ như vậy thì hẳn anh em có thể ít nhiều đoán được về cấu hình của nó. Chiếc máy được trang bị CPU Core i dòng U thế hệ 8 (Coffee Lake), không có card đồ hoạ rời như ThinkPad T480 nên nó phục vụ nhu cầu văn phòng là chính. Hiệu năng cao hay thấp cũng tuỳ vào cấu hình mà anh em chọn khi mua máy, Lenovo có các tuỳ chọn Core i5 và i7 khác nhau, dung lượng RAM, ổ SSD, pin và những thành phần khác cũng phong phú – đây cũng là điểm đặc trưng của các dòng máy doanh nghiệp.
- CPU: Intel Core i7-8550U (Coffee Lake) 4 nhân 8 luồng, 1,8 – 4 GHz (Turbo Boost đơn nhân), 8 MB Cache, TDP 15 W tiêu chuẩn;
- GPU: Intel UHD Graphics 620;
- RAM: 8 GB LPDDR3-2133 hàn chết trên bo, không có khe SO-DIMM;
- SSD: Samsung PM961 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe;
- Kết nối: Bluetooth 4.1 + Intel Dual band 8265 Wireless-AC + NFC;
- Pin: 3-cell 57 Wh;
- OS: Windows 10 Pro 64-bit.
Về các tuỳ chọn cấu hình thì ngoài Core i7-8550U còn có Core i5-8250U/8350U và i7-8650U đề hỗ trợ vPro với các tính năng hỗ trợ quản lý và bảo mật doanh nghiệp. Tuỳ chọn RAM tối đa 16 GB và anh em nếu mua cần lưu ý là máy không có khe SO-DIMM để nâng cấp RAM nên chúng ta cần phải quyết định 8 hay 16 GB ngay từ đầu. Riêng bộ nhớ SSD thì vẫn dùng ổ M.2 2280 nên nâng cấp dễ hơn, chúng ta có các tuỳ chọn dung lượng từ 256 GB đến 512 GB và 1 TB.
Theo cấu hình chiếc máy mình đánh giá và gói bảo hành cơ bản 1 năm thì giá của nó vào khoảng 1752 USD trên trang Lenovo Mỹ. Nếu chọn màn hình HDR 500 nit thì anh em phải thêm 42 USD, tăng RAM lên 16 GB thêm 106 USD, ổ 512 GB phải thêm 233 USD và 455 USD cho 1 TB đó là chưa tính các gói bảo hành 2 năm hay 3 năm. Ổ SSD thì chúng ta có thể linh hoạt tự mua ngoài gắn vào thì giá sẽ rẻ hơn, anh em chỉ cần lưu ý dung lượng RAM vì không thể nâng cấp về sau, RAM hàn chết để đổi lại độ mỏng cho máy.
Thử nghiệm với các công cụ benchmark quen thuộc như PCMark 8, 10 và 3DMark, Cinebench thì kết quả như sau:
Với Cinebench R15, mình cho chạy single-core và multi-core nhiều lần, kết quả rất ngạc nhiên bởi Lenovo đã không bóp xung Core i7-8550U mà ngược lại trang bị cho nó hệ thống tản nhiệt đủ tốt để duy trì xung của con CPU 4 nhân này. Kết quả là ThinkPad X1 Carbon Gen 6 đạt điểm số cao hơn đáng kể so với các mẫu máy còn lại dùng cùng CPU Core i7-8550U. Core i7-8550U trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không bị cắt giảm xung, mình cho chạy Cinebench R15 5 lần thì điểm số đa nhân chỉ xê dịch quanh mốc 600 điểm, riêng điểm đơn nhân thì luôn cao, mình bench lần đầu được 166 điểm và các lần tiếp theo 168 điểm.
Trong quá trình chạy Cinebench R15 thì xung đơn nhân của Core i7-8550U trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 dễ dàng leo lên mức 4 GHz nhưng sau đó giảm xuống còn 3,9 – 3,95 GHz và cái hay là nó vẫn giữ được mức xung này trong suốt quá trình chạy Cinebench R15 đơn nhân. Trong khi đó, mức xung 4 nhân luôn trên 3 GHz – một mức xung rất tốt đối với Core i7-8550U trên nền tảng Ultrabook. Qua Cinebench R15 thì chúng ta có thể phần nào xác định với những tác vụ cần xử lý đa nhân, mình ví dụ như khi anh em xuất video từ Premiere Pro thì xung của Core i7-8550U sẽ duy trì ở mức xung cao, thời gian hoàn thành tác vụ sẽ nhanh hơn, nếu bị cắt xung thì chậm hơn.
Benchmark với PCMark 8 và 10 thì điểm số của rất tốt, tương đương với các mẫu máy chạy Core i7-8550U và thấp hơn đôi chút so với Core i7-8650U trên ThinkPad T480 và Microsoft Surface Book 2. Thực ra một điểm khá thua thiệt của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 là chiếc máy này vẫn dùng RAM LPDDR3 thay vì DDR4 nhằm tối ưu hiệu quả tiết kiệm điện, đổi lấy tốc độ truyền tải (MT/s) của dòng RAM này là 1866 thay vì 2400 như DDR4.
3DMark cho thấy hiệu năng xử lý đồ hoạ của UHD Graphics 620 trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6. GPU tích hợp của Intel chỉ đủ để chúng ta giải trí nhẹ nhàng với các nội dung số như video, chơi được vài tựa game online nhẹ kiểu như LoL với thiết lập cấu hình Medium. Điểm Cloud Gate trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 ở mức trung bình với hơn 7400 điểm, riêng Fire Strike thì đạt 1021 điểm, cao hơn khá nhiều mẫu máy dùng UHD Graphics 620 trên bảng so sánh.
Chiếc ổ SSD Samsung PM961 trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 cũng có tốc độ truy xuất cao với tốc độ đọc tuần tự trên 3100 MB/s và khoảng 839 MB/s. Tốc độ ghi thực tế cao hơn với mức trung bình từ 1100 đến 1200 MB/s nhưng mình up tấm screenshot trên cho anh em thấy tốc độ ghi tối thiểu sau khi cho chạy CrystalDisk Mark nhiều lần.
Trải nghiệm thực tế với ThinkPad X1 Carbon Gen 6 cũng phản ánh chính xác những con số benchmark từ các phần mềm nói trên. Ở phân khúc cao cấp và được Lenovo đầu tư kỹ về phần cứng thì không có lý do gì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 lại chậm rì, có chăng chỉ là những hạn chế về cấu hình. Theo mình nếu anh em xác định mua để làm văn phòng cơ bản thì chỉ cần chọn Core i5-8250U với 8 GB RAM cùng ổ SSD 256 GB là đủ. Riêng những ai có nhu cầu cao hơn, chỉnh sửa hình ảnh và video thì mình nghĩ nên chọn Core i7-8550U với 16 GB RAM, ổ 512 GB và dùng thêm với dock card đồ hoạ gắn ngoài kiểu như Lenovo Graphics Dock (giá khoảng 399 USD) là đẹp. Lenovo không bóp xung CPU nên Core i7-8550U có thể chạy với hiệu năng tối đa trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6.
Tản nhiệt tốt giúp giữ xung CPU cao, pin 8 tiếng:
Nói về nhiệt độ và pin thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 khá mát khi sử dụng bình thường với nhiệt độ vỏ các vùng trọng yếu như đáy, bàn phím, chỗ nghỉ tay dưới 40 độ C. Khi cho chạy liên tục Cinebench R15 và PCMark 10 Extend thì nhiệt độ vỏ nóng hơn, khu vực nóng nhất vào khoảng 50 độ C ở vùng giữa phía trên bàn phím, gần cạnh dưới màn hình nơi con CPU Core i7-8550U nằm dưới, các khu vực còn lại vẫn ở mức ngưỡng chấp nhận được, vùng nghỉ tay vẫn mát mẻ dưới 37 độ C. Khu vực bàn phím nóng nhất là 45 độ C ở vùng phím bên phải, gần khe tản nhiệt. Cũng nói tới đây thì vị trí khe tản nhiệt này chưa hợp lý bởi nó nằm bên phải, nếu anh em thường dùng chuột thì hơi nóng khi máy tải nặng sẽ phà vào tay khó chịu, dùng văn phòng thì không thành vấn đề.
Thêm nữa khi tải nặng thì nhiệt độ đáy máy khu vực gần khe tản nhiệt và bên dưới CPU Core i7-8550U sẽ nóng nhất với nhiệt độ khoảng 45 – 48 độ C thành ra máy chỉ lý tưởng để đặt lên đùi khi dùng văn phòng, nếu anh em chạy Premiere Pro cho xuất phim thì tốt nhất để trên bàn.
Bản chất con Core i7-8550U khá nóng nên với hệ thống tản nhiệt 1 quạt 12 V cùng 2 ống đồng thì nhiệt độ CPU khi tải vừa vào khoảng 65 – 74 độ C và khi tải nặng với cả 4 nhân đều chạy thì nhiệt độ lên đến trên 80 độ C và có thể chạm ngưỡng 90 độ C. Dù vậy khi đạt ngưỡng 90 độ C thì CPU tự động cắt xung xuống theo cơ chế an toàn thành ra mức xung đa nhân của Core i7-8550U theo quan sát của mình thường ở 3,4 – 3,5 GHz – gần với mức xung lý thuyết 3,7 GHz 4 nhân của Core i7-8550U với điều kiện tản nhiệt lý tưởng và không nhiều mẫu máy Ultrabook dùng con CPU này đạt được mức xung đa nhân cao và lâu.
Về phần pin, thời lượng pin của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 rất tốt. Với bài test PCMark 8 Home cho chạy đến khi hết pin, độ sáng màn hình 75% thì thời lượng pin đo được từ 100% đến khi còn 10% báo sạc là 6 giờ 8 phút. Trong khi đó mình dùng làm việc văn phòng với các tác vụ thường nhật như lướt web với hơn 10 tab Edge, soạn thảo trên OneNote với độ sáng màn hình 50% thì thời lượng pin ước lượng đến 8 tiếng 10 phút dựa trên tỉ lệ hao hụt đo theo từng giờ. Như vậy với thời lượng pin này thì ThinkPad X1 Carbon Gen 6 có thể đáp ứng một ngày làm việc dù cấu hình đã mạnh hơn, màn hình phân giải cao và dung lượng pin vẫn 57 Wh. Cái hay của Core i7-8550U là với các tác vụ nhẹ thì xung thường giảm rất sâu, xuống dưới mức 1,8 GHz cơ bản để tiết kiệm pin.
ThinkPad X1 Carbon Gen 6 vẫn là chiếc ThinkPad đáng mơ ước nhất!
Như vậy qua bài đánh giá trên thì chắc hẳn anh em đang dùng ThinkPad X1 Carbon các thế hệ trước hay những anh em đang có ý định mua chiếc máy này đã hình dung được nó tốt chỗ nào và chưa tốt chỗ nào. Mặc dù ThinkPad X1 Carbon Gen 6 không có nhiều thay đổi về vẻ ngoài so với Gen5 nhưng nâng cấp về mặt cấu hình đã mang lại cho chiếc máy này hiệu năng tốt hơn đáng kể so với các thế hệ trước và Lenovo cũng không bóp giảm xung khiến con CPU này chạy được tối đa sức mạnh của nó. Hệ thống tản nhiệt mới cũng là điểm đáng khen trên ThinkPad X1 Carbon Gen 6 bởi nó đủ để duy trì nhiệt độ hoạt động ở mức lý tưởng cho Core i7-8550U. Nhờ đó, tiềm năng sử dụng của ThinkPad X1 Carbon Gen 6 sẽ rộng hơn khi chúng ta có thể dùng kèm với eGPU để biến nó thành một cỗ máy làm việc với workload nặng thật sự.
Tuy nhiên không chiếc máy nào hoàn hảo, ThinkPad X1 Carbon Gen 6 cũng vậy khi nó có một số điểm mình chưa thích như vị trí khe tản nhiệt bên tay phải, vẫn chưa đổi từ thời Gen 5, thêm vào đó là tiếng quạt khi máy tải nặng khe khá lớn dù không ù ù nhưng trong phòng kín vẫn nghe. Lenovo vẫn chưa cách nhiệt tốt cho vỏ máy, có lẽ do để giảm độ dày máy khiến một số vị trí tại đáy máy nóng hơn hẳn khi tải nặng. Mức giá cao của ThinkPad X1 Carbon xưa nay vẫn là rào cản lớn nhất khiến anh em khó tiếp cận dòng máy này nhưng nếu anh em dư dả thì X1 Carbon Gen6 là sự lựa chọn rất đáng với số tiền bỏ ra.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.